Đang online: | Hôm qua: | Lượt truy cập:
Thành viên
TUYỂN LAO ĐỘNG CÁC KCN LƯƠNG CAO - HÀ NỘI
 
Trang chủ > TIN TỨC > Đời sống công nhân thời hiện đại
Phòng nhân sự

   Phòng nhân sự Cô Chuyển: 0964.800.199 - 0962.688.199 - 0975.668.199 - 0965.866.199

Phòng kinh doanh

   Phòng kinh doanh  Ms Lan : 0983.666.199

  Hotline : 0985.611.999 hoặc 0985.028.700

 

Đời sống công nhân thời hiện đại

Một ngày ở xóm trọ công nhân tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) thường kết thúc rất muộn, khi nhóm công nhân nữ tăng ca làm đêm trở về. Đó cũng là lúc những công nhân này mới bắt đầu có thời gian dành cho nhu cầu cá nhân của mình.

Đời sống công nhân thời hiện đại

Công nhân sản xuất khuôn mẫu cơ khí tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Mọi người nhanh chóng lao vào tắm giặt, ăn uống để rồi chìm sâu vào giấc ngủ, lấy sức cho buổi làm việc chính thức của ngày mai. Đi làm, tăng ca, ngủ, thức dậy rồi lại tiếp tục đi làm..., đó là một thực trạng tương đối phổ biến với khá nhiều công nhân. Thực trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề với đời sống công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay.

Cuộc sống tự hài lòng

Thành phố Hồ Chí Minh đang vào những ngày nắng mưa thất thường đầu tháng 11. Anh Đức, công nhân tại một khu công nghiệp ở quận Thủ Đức đến đón tôi trong bộ đồ đơn giản, tác phong nhanh nhẹn. Người thanh niên 29 tuổi, rời quê nhà Nam Định vào thành phố bôn ba nghiệp công nhân vẫn giữ được làn da trắng, khuôn mặt thư sinh nói: “Mình vào từ năm 2016, đi xin việc ở một công ty sản xuất ba-lô, túi xách và làm tại đó đến bây giờ. Mấy năm rồi chưa về quê được một lần”. Đức cũng như nhiều công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hằng ngày làm việc từ sáng đến tối, cuối tuần lại tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Ở tuổi lao động “vàng”, anh chỉ mong không ốm đau, có sức khỏe và được làm thêm giờ càng nhiều càng tốt: “Ngày nghỉ, ở giữa thành phố đông đúc này cũng buồn, chỉ mong được thêm ca là lương gấp đôi ngày thường. Vừa tận dụng được thời gian nghỉ, vừa có thêm thu nhập”. Ba năm sống ở TP Hồ Chí Minh, Đức chỉ biết đường từ nhà trọ đến công ty, mỗi năm may mắn vào trung tâm thành phố chơi được vài ba lần. Có những nơi đi đường không cẩn thận còn bị lạc. Mỗi tháng, làm không kể ngày nghỉ, Đức kiếm được 8 đến 9 triệu đồng.

Thu nhập đó với công nhân thành phố hiện nay thuộc mức trung bình. Chị Minh, quê ở Long An, làm công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đang sống cùng chồng và hai con ở một xóm trọ gần xưởng làm việc. Chồng chị buôn bán tự do, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng hơn 11 triệu đồng, nhưng phải nuôi hai đứa con. “Tiền nhà trọ, ăn ở, chi phí cho bọn trẻ cũng vừa hết, không để ra được đồng nào”, chị Minh nói. Không tạo được tích góp nhưng gia đình chị vẫn bám trụ ở thành phố để hy vọng vào tương lai của con cái thay vì về quê “quần thảo” với ruộng đồng, chân lấm tay bùn.

Phần nhiều cư dân sống ở các xóm trọ công nhân hiện nay đều tự chấp nhận cuộc sống hiện tại vì cho rằng, rất khó để thay đổi công việc cho dù ai cũng mong muốn có một cuộc sống bảo đảm thu nhập ổn định hơn. Mỗi công nhân, tùy vào hoàn cảnh, tự tìm cho mình phương án tốt nhất để giảm áp lực cuộc sống. Anh Đức chưa có người yêu vì không có thời gian tìm hiểu, do làm việc kín tuần. Anh cũng không biết bao giờ mới có thể lấy vợ và cũng không nóng vội vì hiện tại, mục tiêu lớn nhất vẫn là làm việc để có thu nhập. Trong khi đó, vợ chồng chị Minh mỗi tháng cố dành ra một tối cuối tuần đưa các con đi chơi. “Ngày thường chẳng có thời gian nghĩ đến việc vui chơi, giải trí. Nhưng làm hoài mệt mỏi, cố gắng tự thưởng cho bản thân và gia đình một chút vui vẻ”, chị Minh nói.

Trường hợp chị Minh thuộc số rất ít công nhân biết chăm sóc đời sống tinh thần cho bản thân. Còn lại, phần lớn đều dành thời gian rảnh cho việc... ngủ. Anh Đức chia sẻ: “Khi đi làm về, mệt mỏi, nhiều lúc chỉ muốn ngủ, để giữ gìn sức khỏe, đủ vượt qua một ngày làm việc vất vả hôm sau. Cũng là để không phải tiêu tiền, không chi tiêu thì sẽ có cơ hội tích góp lớn hơn”. Lý do này nằm trong số các lý do lớn khiến những nỗ lực nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp ở những thành phố lớn hiện nay khó đạt hiệu quả.

Lo lắng về tương lai

“Không ai làm công nhân mãi được, vì sức khỏe sẽ đến lúc kém đi. Do đó, những công nhân không khát khao vươn lên thường có tâm lý thời vụ. Một ngày nào đó sẽ nhảy việc, tìm một mức lương cao hơn, công việc nhàn nhã hơn. Nhà quản lý bây giờ cũng phải chiều theo xu thế đó, chấp nhận sự thải loại, sự thiếu gắn bó của thế hệ công nhân hiện nay” - anh Thuấn, 40 tuổi, đang là trưởng phòng của một công ty trong Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), một trong những trường hợp hiếm hoi đi từ công việc công nhân lên thành nhà quản lý, nói. Anh Thuấn bắt đầu làm việc tại khu công nghiệp từ 20 năm trước, thời kỳ mà một gia đình có người vào làm công nhân ở xí nghiệp là đáng tự hào, người ta phải nỗ lực hết mình, bám xưởng với quyết tâm vươn lên, trở thành thợ lành nghề.

Tâm lý chung của những người làm việc trực tiếp tại các phân xưởng như chị Minh, anh Đức là cứ làm tạm rồi “nhảy” việc, chỗ nào trả lương cao hơn thì chuyển sang làm. Tận dụng triệt để quỹ thời gian “vàng” có sức khỏe tốt của đời công nhân để hy vọng tích lũy số vốn nho nhỏ phòng thân khi đã “về hưu”. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ khu xóm trọ công nhân ở quận Bình Tân cho biết: “Nhiều công nhân ở khu trọ khi vào khoảng 35 đến 40 tuổi, là độ tuổi khó có thể kiếm công việc mới, đáp ứng đủ nhu cầu về tài chính của bản thân, là họ rời bỏ thành phố, trở về quê và hiếm khi trở lại”.

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất tại một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. 
 

Hiện nay, khá nhiều công nhân sớm về hưu với sự hao hụt sức khỏe và không còn khoản thu nhập nào. Chưa nói đến, việc về hưu ở tuổi còn rất trẻ so mức tuổi hưu trí thông thường đang tạo ra một thực trạng đáng báo động về nạn thất nghiệp. Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn đưa ra cảnh báo, trong khoảng 6 triệu lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay, xấp xỉ 3 triệu lao động sẽ bị thay thế trong những năm tới khi bước qua tuổi 30. Tình trạng sa thải lao động sau tuổi 30 làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Anh Đức cho biết: “Mình cũng không dám nghĩ đến giai đoạn hết tuổi lao động sẽ như thế nào, chỉ biết có nhiều người quen đã phải về quê, đưa theo gia đình con cái, bỏ lại giấc mơ bám trụ thành thị hòng đổi đời”. Bởi vậy, không ít người lao động bị “bất ngờ” khi cầm quyết định nghỉ việc, thậm chí gặp “khủng hoảng” ở giai đoạn này. Chị Bàn Thị Hoa (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng), sau nhiều năm làm công nhân ở khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) trở về nhà, làm nông, sức khỏe yếu, tâm sự: “Mấy năm trời, ngày nào cũng đứng 12 giờ.

Công việc lại áp lực, lỗi nhỏ là bị lập biên bản phạt. Dần dần, tôi tự phải xin nghỉ. Giờ về quê nuôi con nhỏ, sức làm việc nông cũng kém đi hẳn. Không biết thời gian tới có đủ sức xin được việc gì khác để làm không”. Những lao động tuyển dụng từ các địa phương như chị Bàn Thị Hoa sau nhiều năm làm công nhân, không còn đủ sức khỏe, nhiệt huyết sẽ là nguy cơ tiềm tàng trở thành gánh nặng cho một xã hội dân số “vàng” đang dần già hóa khi đối mặt với những vấn đề như bất ổn về tài chính, gánh nặng kinh tế cho gia đình, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, đời sống tinh thần thấp, đánh mất vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội... Hệ quả là tăng số người thất nghiệp, tăng dịch vụ trợ cấp xã hội, khó quản lý và duy trì trật tự an ninh, lãng phí nguồn nhân lực ở các địa phương. Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) Quan Hồng Tiềm cho biết: “Nguồn nhân lực vùng cao lũ lượt kéo đến làm việc tại các khu công nghiệp rất khó được thống kê vì nhiều người đi mà gia đình còn không biết. Khả năng bảo vệ quyền lợi cho công nhân của cơ quan chức năng cũng bị bỏ ngỏ. Rất nhiều người không có bảo hiểm thất nghiệp, trở lại địa phương thật sự là một gánh nặng trong tương lai”.

Sau mấy chục năm đổi mới, nền công nghiệp nước ta phát triển nhanh chóng kéo theo sự tăng nhanh về số lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Đồng thời, nguy cơ một thế hệ công nhân “về hưu non” trở thành gánh nặng thất nghiệp của xã hội dần hiện hữu đang đặt ra một bài toán chưa có lời giải. Trước vấn đề này, anh Thuấn (trưởng phòng một công ty trong Khu chế xuất Linh Trung, TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Người lao động phải “tự cứu mình”, cần chủ động tìm hiểu Bộ luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp không bị “bẫy”, kéo dài độ tuổi nghề và bảo đảm quyền lợi của bản thân”. Anh Ngọc Anh, chủ một doanh nghiệp sản xuất phân bón ở Bình Phước nói: “Công nhân cần sớm thay đổi tư duy thời vụ và chuyên tâm hơn vào rèn luyện công việc, thể hiện quyết tâm gắn bó với công ty thì sẽ có cơ hội vươn lên, tương lai cũng được bảo đảm”. Bên cạnh đó, bà Quan Hồng Tiềm cho rằng: “Cơ quan quản lý cần kiểm soát quá trình tuyển dụng để vừa là cây cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, vừa giám sát, bảo đảm quyền lợi của người lao động trước rất nhiều nguy cơ có thể xảy đến”. Rõ ràng, bài toán nêu trên cần sự vào cuộc của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, song khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nguy cơ về thực trạng một lực lượng công nhân không nhỏ hiện nay vẫn hằng ngày chỉ biết lao vào làm việc kiếm tiền, tự hài lòng với cuộc sống vừa đủ và chấp nhận những khó khăn sẽ phải đối mặt vào ngày mai... đang ngày một hiển hiện nếu chính quyền và cả xã hội không sớm có những giải pháp kịp thời..

TRỊNH PHONG CHƯƠNG

Phòng nhân sự

   Phòng nhân sự Cô Chuyển: 0964.800.199 - 0962.688.199 - 0975.668.199 - 0965.866.199

Phòng kinh doanh

   Phòng kinh doanh  Ms Lan : 0983.666.199

  Hotline : 0985.611.999 hoặc 0985.028.700